Danh mục
Tất cả danh mục

Kẻ thắng, người thua sau pha 'lật kèo' rúng động ở OpenAI

23/11/2023 336

Cuối tuần qua, làng công nghệ thế giới đã chứng kiến pha "lật kèo" đầy kịch tính trong cuộc cải tổ không hề được báo trước tại OpenAI – một trong những công ty dẫn đầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Cùng với đó là sự ra đi của CEO Sam Altman, người được xem là “cha đẻ” của ứng dụng ChatGPT.

Trong một thông báo bất ngờ vào ngày 17/11, OpenAI cho biết CEO Sam Altman bị các thành viên hội đồng quản trị “sa thải”. Tuy nhiên chính hội đồng này lại đưa ra đề nghị để Altman quay lại trở lại điều hành công ty chỉ sau 24 giờ trước sức ép từ nhân viên và các nhà đầu tư của OpenAI.

Những thay đổi quá nhanh ở OpenAI không đơn thuần chỉ là vấn đề nội bộ của một công ty mà nó còn gắn kết với hàng tỷ USD đầu tư vào ứng dụng ChatGPT lẫn sự phát triển ngành AI trong thời gian tới.

Kẻ thắng, người thua sau pha 'lật kèo' rúng động ở OpenAI - Ảnh 1.

CEO Sam Altman bị chính hội đồng quản trị OpenAI sa thải trong một cuộc cải tổ không báo trước vào ngày 17/11.

Sau cùng, vào đêm 19/11, hội đồng quản trị OpenAI bất chấp sức ép của nội bộ lẫn các nhà đầu tư tuyên bố sẽ không để CEO Sam Altman quay trở lại, đồng thời khẳng định sự ra đi của “cha đẻ” ChatGPT là cần thiết để công ty này có thể tiếp tục phát triển.

Điều khiến làng công nghệ thế giới bất ngờ hơn việc Altman bị sa thải là Giám đốc điều hành tập đoàn Microsoft Satya Nadella cho biết, đã mời cựu CEO OpenAI về làm việc dưới trướng của mình. Và Altman sẽ lãnh đạo một bộ phận nghiên cứu AI của Microsoft.

Câu chuyện về cuộc cải tổ của OpenAI và những ảnh hưởng của nó còn lâu mới kết thúc. Tuy nhiên, ngay từ lúc này các chuyên gia đã có thể nhận định được kẻ thắng, người thua sau những pha lật kèo tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh.

Người thua: OpenAI

Không cần phải quá am hiểu về vụ việc cũng có thể thấy rõ “kẻ thua cuộc” lớn nhất sau cuộc cải tổ chính là OpenAI hay Hội đồng quản trị của công ty này.

Trước ngày 17/11, OpenAI vẫn là cái tên hot nhất trong lĩnh vực công nghệ, với một nhà lãnh đạo nổi tiếng, nắm trong tay ứng dụng ChatGPT đình đám và sở hữu hàng loạt tài năng AI khiến những gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon phải ghen tị. Thậm chí OpenAI còn đang tiến hành một đợt chào mua công khai cho phép nhân viên biến cổ phiếu của họ thành tiền mặt với mức định giá hấp dẫn.

Nhưng chỉ sau đó 24 giờ, OpenAI bắt đầu rơi vào hỗn loạn khi các lãnh đạo cấp cao lần lượt ra đi, nội bộ công ty bị chia rẽ và việc mua lại cổ phiếu lúc này là điều bất khả thi.

Một bước đi khác khiến OpenAI có thể càng rơi nhanh vào khủng hoảng là tân CEO Mira Murati muốn làm chậm lại quá trình phát triển các ứng dụng AI của công ty này. Trong khi đó phiên bản GPT-4 – phiên bản mới nhất của ChatGPT được xem là chìa khóa giúp OpenAI tiếp tục phát triển.

Kẻ thắng, người thua sau pha 'lật kèo' rúng động ở OpenAI - Ảnh 2.

Sự rạn nứt trong nội bộ OpenAI có thể khiến kỳ lân công nghệ này rơi vào một cuộc khủng khoảng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của ChatGPT trong tương lai.

Ở một chiều hướng khác, OpenAI vẫn phụ thuộc rất nhiều vào đầu tư từ Microsoft. Công ty cần có sức mạnh từ các hệ thống máy tính tiên tiến để chạy các mô hình của mình. Cùng với sự đón nhận Altman từ OpenAI, giờ đây Microsoft đã có mọi thứ mà tập đoàn này cần để tạo ra các ứng dụng tương tự hoặc tốt hơn ChatGPT.

Hội đồng quản trị của OpenAI hiện tại có thể hài lòng với kết quả mà họ đạt được và tỏ ra không hối hận về quyết định sa thải Altman.

Không chỉ OpenAI mà những nhà đầu tư cho công ty này cũng một đêm trở nên điêu đứng trước tình cảnh hiện tại, họ hơn ai hết ủng hộ việc ông Altman quay trở lại nhưng điều đó đã không diễn ra.

Nhiều nhà đầu tư trong số này là những người lạc quan về công nghệ. Họ tin rằng AI sẽ là một điều tốt đẹp cho xã hội và họ yêu thích quan điểm lạc quan của ông Altman về tương lai của AI. Họ cũng thích việc ông kiếm được rất nhiều tiền cho họ.

Những nhà đầu tư này giờ đây phải đặt tiền của mình vào một công ty không có giám đốc điều hành đúng nghĩa, nội bộ chia rẽ nghiêm trọng và một chính sách phát triển không rõ rang. Tệ hơn nữa, cách duy nhất họ có thể đầu tư vào công ty mới của Altman là mua cổ phiếu của Microsoft.

Kẻ thắng: Microsoft

Sau khi Altman bị sa thải, có vẻ như CEO Microsoft Nadella đã mất đi một trong những đồng minh lớn nhất tại OpenAI. Trước đó Microsoft đã đầu tư 13 tỷ USD vào OpenAI và dưới sự lãnh đạo của Altman, công ty đã trở thành đối tác quan trọng của Microsoft.

Công nghệ của OpenAI là xương sống của nhiều dịch vụ AI trong tương lai của Microsoft, chẳng hạn như trợ lý ảo Copilot - ứng dụng sẽ được tích hợp vào mọi sản phẩm của tập đoàn này.

Kẻ thắng, người thua sau pha 'lật kèo' rúng động ở OpenAI - Ảnh 3.

CEO Nadella (bên phải) biết nắm lấy thời cơ khi OpenAI sa thải Altman, tạo ra một động lực chưa từng có đối với Microsoft trong lĩnh vực AI.

Ông Nadella rõ ràng muốn thấy Altman được phục chức vụ hơn. Nhưng khi thấy rõ điều đó không thể xảy ra, CEO Microsoft đã làm điều tốt nhất đó là đề nghị Altman, cựu Chủ tịch OpenAI Greg Brockman về làm việc cho mình. Kéo theo đó là số lượng đáng kể nhân viên trung thành với hai nhà lãnh đạo này.

Về mặt chiến lược, đó là một bước đột phá không chỉ đối với Nadella mà cả Microsoft khi tập đoàn này giờ đây có thể tiếp tục sử dụng các mô hình của OpenAI để cung cấp nguồn dữ liệu cho các sản phẩm của mình trong thời gian ngắn, đồng thời cung cấp cho bộ phận AI mới do Altman lãnh đạo số tiền và sức mạnh tính toán cần thiết để xây dựng các mô hình AI mới do Microsoft sở hữu trong thời gian dài.

Nhờ vào việc nắm bắt thời cơ, Nadella giờ đây sẽ có được một loạt các nhà nghiên cứu AI tài năng từ OpenAI và Microsoft sẽ nắm giữ 100% phòng thí nghiệm AI tiên tiến nhất. Việc các nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon xếp hàng để tài trợ cho bộ phận này chỉ là vấn đề thời gian.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các công ty AI đối thủ của OpenAI có được hưởng lợi từ việc ông Altman bị sa thải hay không, bởi các công ty như Google, Anthropic và Meta có thể nắm lấy cơ hội này để rút ngắn khoảng cách hoặc tuyển dụng nhân tài từ cuộc cải tổ.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ phải cạnh tranh với một Microsoft mạnh hơn. Mặt khác những nỗ lực phát triển AI mới của Altman sẽ không bị hạn chế bởi cấu trúc quản trị phi lợi nhuận phức tạp giống như OpenAI trước đây, nghĩa là ông có thể còn phát triển nhanh hơn nữa.

 

Theo Trà Khánh/VTC

Bình luận

Menu
Tạo tài khoản ngay

để nhận 10,000đ vào tài khoản!

Đăng ký ngay

Chúng tôi sử dụng cookie để cải thiện tính năng của trang web. Bằng cách nhấp vào Đồng ý, bạn đã đồng ý với việc thiết lập cookie trên thiết bị của bạn. Vui lòng tham khảo Chính sách về Quyền riêng tư của chúng tôi để tìm hiểu thêm về cách chúng tôi sử dụng dữ liệu cá nhân.

Đồng ý
Phiên đấu giá đã kết thúc
phút
giây
Đã chọn
Thêm
Phiên đấu giá đã kết thúc
Ẩn các tùy chọn
Xem chi tiết
Bạn có chắc chắn muốn xóa mục này không?